Tăng tỷ giá: Doanh nghiệp Việt lại ‘kẻ cười, người khóc’

Sau khi tăng tỷ giá giữa tiền đồng và tiền USD của Ngân hàng Nhà nước lần thứ 4 kể từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp lại một lần nữa lâm vào cảnh “kẻ cười, người khóc”.

Sáng ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD từ mức 21.673 đồng đổi 1 USD lên 21.890 đồng đổi 1 USD (tương đương tăng 1%). Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3% sau khi mới nới biên độ từ 1% lên 2% vào ngày 12/8 trước đó.

Đây là động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh Trung Quốc đã liên tiếp phá giá kỷ lục đồng nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế, kích tăng xuất khẩu. nới biên độ.

Theo đó tỷ giá bình quân liên ngân hàng dùng tham chiếu cho các giao dịch trong hệ thống ngân hàng là 21.890 đồng, với biên độ +/-3% thì tỷ giá giao dịch sẽ không thấp hơn 21.233 đồng và không cao hơn 22.547 đồng cho 1 USD.

Trước biến động về tỷ giá tiền đồng lần này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam được xem là những người đầu tiên sẽ bị ảnh hưởng. Trước đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đã từng “sốc” trước 2 lần điều chỉnh nâng tỷ giá tiền đồng và tiền USD, mỗi lần tăng 1%. Trong khi đó mới đầu năm nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình còn từng tuyên bố rằng, trong năm 2015 sẽ nâng tỷ giá không quá 2%.

Tăng tỷ giá: Doanh nghiệp Việt lại 'kẻ cười, người khóc'

Tỷ giá liên ngân hàng giữa tiền đồng và tiền USD đã điều chỉnh tăng 3 lần kể từ đầu năm tới nay

Kẻ cười

Trả lời phỏng vấn của PV VTC News, đại diện của Công ty TNHH Vận tải Duyên Hải (TASACO) cho biết, tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng tương đối nhiều tới các loại cước phí vận chuyển hàng hóa từ trong ra ngoài nước và ngược lại.

“Hiện tại cước vận tải đường biển, phí khai thác tại cảng cùng một số các loại phụ phí địa phương khác đều đang được tính 100% bằng tiền USD. Vì vậy mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ buộc phải gánh thêm một khoản chi phí lớn là khoản phát sinh do chênh lệch về tỷ giá”.

Về phần riêng, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi trông thấy so với các doanh nghiệp nhập khẩu bởi các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải quy đổi từ tiền VND sang tiền USD để thanh toán hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Với các doanh nghiệp có hợp đồng đã được ký kết và thanh toán dài hạn theo quý hoặc năm mà không bị áp quy theo biến động tỷ giá thì trước mắt cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ngành dệt may sẽ gặp đôi chút khó khăn từ việc tăng tỷ giá do ngành vẫn phải nhập khẩu các nguyên vật liệu như bông để sản xuất sơ sợi vải; nhập hóa chất để nhuộm màu…

Dệt may là một trong những ngành được đánh giá là hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá

Dệt may là một trong những ngành được đánh giá là hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá

Tuy nhiên với đặc thù là mặt hàng dệt may, sau khi gia công xong doanh nghiệp lại xuất khẩu và thu được ngoại tệ sau đó đổi lại thành tiền Việt Nam nên các doanh nghiệp dệt may sẽ không bị ảnh hưởng lớn khi tỷ giá tăng.

Cũng theo đánh giá Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), dệt may cũng là ngành đang được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá do doanh thu xuất khẩu tăng, trong khi nguyên liệu đầu vào chủ yếu từ Trung Quốc lại giảm nhờ việc quốc gia này mới đây đã phá giá mạnh đồng nhân dân tệ.

Ngoài ra, thủy sản, dầu khí, công nghệ cũng là những ngành đang có ảnh hưởng tích cực. Ngành thủy sản hiện tại chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, châu Âu và Đông Á.

Nguồn thu của ngành dầu khí cũng chủ yếu bằng tiền USD trong khi chi phí bằng tiền đồng vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Còn ngành công nghệ thì có lợi thế là doanh thu của dịch vụ gia công phần mềm được tính bằng tiền USD.

Người khóc

Trái ngược với ngành các ngành trên thì ngành thép – vốn bị coi là ngành nhập siêu với mỗi năm kim ngạch nhập khẩu khoảng hơn 9 tỷ USD thì đây không phải là một tin đáng mừng. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trong bối cảnh kim ngạch nhập khẩu cao hơn gấp nhiều lần kim ngạch xuất khẩu xuất như hiện nay thì đây vẫn là một trong những bất lợi đáng kể của ngành thép.

Hay như một công ty thuộc ngành gia công cơ khí lớn nhất nhì miền Bắc cũng đang “méo mặt” vì trung bình mỗi năm công ty này vẫn phải mất tới 20 triệu USD chi phí cho máy móc, nguyên phụ liệu cùng cả một đội ngũ chuyên gia nước ngoài quản lý về kỹ thuật.

Hiện tại các công ty nhập khẩu trong nước cũng đã nắm được rõ những khó khăn trong việc tỷ giá bất ngờ tăng thêm 1%, đặc biệt là những công ty đang có những đơn hàng ký kết thanh toán bằng tiền USD.

Theo đánh giá của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), hiện có 7 ngành đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc điều chỉnh tỷ giá và chính sách của Ngân hàng Nhà nước năm 2015.

Trong đó có ngành điện, vận tải biển, xi măng là những ngành có dư nợ bằng ngoại tệ lớn, có thể bị giảm doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá do tiền đồng bị mất giá. Riêng ngành xi măng thì ít bị ảnh hưởng hơn do tỷ giá EUR giảm giúp tỷ giá chéo bớt tiêu cực.

Ngành dược là ngành 90% nguyên liệu phải nhập khẩu nhưng lại chủ yếu tiêu thụ trong nước nên cũng sẽ chịu thiệt thòi. Ngành nhựa tương tự chỉ tiêu thị thành phẩm trong nước nhưng 80% nguyên liệu hạt nhựa phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo BSC, ngành săm lốp ngoài sở hữu vốn cao su tự nhiên ra thì hầu hết nguyên liệu còn lại phải nhập khẩu với chi phí nhập khẩu chiếm tới 66% chi phí sản xuất kinh doanh, trong khi lốp xuất khẩu mới chiếm tỷ trọng còn ít.

Ngành cao su gặp nhiều khó khăn trước động thái phá giá đồng nhân dân tệ do Trung Quốc là quốc gia đang tiêu thụ đến 50% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam. Do đó việc tăng tỷ giá giữa tiền đồng và tiền USD làm giảm bớt tác động tiêu cực hơn.

Theo một chuyên gia kinh tế trong nước, việc phá giá tiền đồng lần thứ hai từ trong năm đến nay cũng là động thái phù hợp với bối cảnh Trung Quốc đã mạnh tay phá giá đồng nội tệ của họ một cách kỷ lục trong những ngày vừa qua.

Hàng hóa của Trung Quốc đã rẻ lại còn rẻ hơn nữa do nhân dân tệ mất giá thì đồng nghĩa với việc hàng hóa của ta sẽ khó cạnh tranh hơn hàng hóa của họ trên thị trường khu vực, trên thế giới và thậm chí ngay trên thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên đây cũng là cách để Việt Nam giành lại quyền chủ động trong việc kích thích tăng trưởng xuất khẩu và giúp cho đồng Việt Nam sẽ ổn định đến đầu năm 2016.

Vì vậy mà động thái phá giá tiền đồng lần này về trước mắt có thể giảm thiểu những khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên với các doanh nghiệp nhập khẩu thì sẽ phải chịu thêm những áp lực rất lớn trong thời gian tới.

Tác giả: Huyền Trân / VTC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *